Header Ads

Header ADS

Quyến rũ đèo Le - Quảng Nam

(ĐTTCO) - Mỗi tên đèo gắn liền với di sản ngôn ngữ và đặc điểm văn hóa của mỗi vùng đất. Những người thích khám phá chỉ nghe qua những cái tên ấy đã muốn tìm đến. Đèo Le là một trong những cái tên gây tò mò khi giới phượt hay đùa: “Chưa đi chưa biết đèo Le/ Đi rồi mới biết phải đè mới leo”.

1. Nếu tính từ ngã ba Hương An trên Quốc lộ 1 đến chân đèo Le, khoảng cách hơn 30km theo tỉnh lộ ĐT611 về phía Tây. Còn tính từ TP Tam Kỳ, đèo Le cách gần 60km về phía Tây Bắc, cách Hội An hơn 47km về phía Tây và cách Đà Nẵng gần 70km về phía Tây Nam.

Đèo Le trước đây nằm gọn trong lòng huyện Quế Sơn. Kể từ tháng 4-2008 khi có quyết định tách một số xã phía Tây huyện Quế Sơn thành lập thêm huyện Nông Sơn, đèo Le trở thành ranh giới giữa 2 huyện trung du và miền núi của tỉnh Quảng Nam.
Dulichgo
Đoạn đường qua đèo Le dài hơn 7km, xuyên qua núi Hòn Tàu có độ cao hơn 500m. Các cụ lớn tuổi cho biết, ngày xưa đây là con đường mòn xuyên rừng rậm núi cao do người dân 2 bên đèo tự khai phá để đi lại, mua bán trao đổi nông hải sản. Đường dốc lượn quanh co các sườn núi đụng mây và vực sâu hiểm trở. Dây leo chằng chịt, đá lởm chởm, bùn lầy vào mùa mưa. Mọi người qua đèo phải đè cây leo đá lội bùn rất cam go. Đến chân đèo bên kia ai cũng phờ phạc… le lưỡi thở. Cái tên đèo Le quen gọi từ ấy.

Đến năm Đinh Sửu 1937, các bậc danh sĩ quê Quế Sơn là Nguyễn Đình Hiến, Lâm Xuân Quế, Nguyễn Đình Dương… đã tự nguyện thành lập ban vận động lạc quyên khai phá, mở rộng con đường qua đèo Le. Sau 2 năm huy động tiền của công sức của nhân dân, với bao gian nan vất vả, con đường đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế vùng cao bị cô lập phía thượng nguồn sông Thu Bồn.
Dulichgo
Công đầu mở đường đèo Le là Phó bảng Nguyễn Đình Hiến, người cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và Phạm Liệu, được xem là “tứ kiệt” về học vấn của xứ Quảng. Và cùng với Phan Châu Trinh, Võ Vỹ và Nguyễn Mậu Hoán, Nguyễn Đình Hiến còn được dân Quảng tôn vinh là “tứ hổ”. Vào năm Canh Thìn 1940, ông cẩn soạn 4 tấm bia để dựng tại đỉnh đèo ghi lại công tích mở đường và danh sách các mạnh thường quân.

2. Trước khi Phó bảng Nguyễn Đình Hiến cùng những nhân sĩ cùng thế hệ vận động mở đường, đèo Le còn gắn liền với tên tuổi của một bậc danh sĩ yêu nước tiền bối, là Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, thủ lĩnh phong trào Cần Vương xứ Quảng. Vào những năm 1885-1887, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi chống Pháp, Tiến sĩ Trần Văn Dư đang là Chánh sơn phòng Quảng Nam, đã đứng ra thành lập Nghĩa hội và được tôn làm Hội chủ, chỉ huy đánh chiếm một số thành trì.

Quân Pháp phối hợp lính Nam triều Đồng Khánh huy động lực lượng lớn phản công và lùng sục bố ráp. Nghĩa quân thất bại nặng nề, Hội chủ Trần Văn Dư sa vào tay giặc và bị xử chém. Quyền chỉ huy Nghĩa hội Quảng Nam được giao lại cho chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu tiếp tục cuộc kháng chiến.

Nguyễn Duy Hiệu thi đỗ phó bảng lúc 32 tuổi dưới triều vua Tự Đức, được phong Hồng lô tự khanh, nên người đời gọi là Hường Hiệu. Lúc đang làm quan phụ đạo tại kinh thành Huế, ông quay về quê hương cùng các chí sĩ Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến, Nguyễn Tiểu La thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Sau khi chính thức thay danh sĩ Trần Văn Dư làm Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam vào đầu năm 1886, ông cùng phó tướng Phan Bá Phiến quyết định chọn thung lũng Trung Lộc ở Quế Sơn làm căn cứ địa với tên gọi là Tân Tỉnh Trung Lộc, có đầy đủ doanh trại, kho tàng, hào lũy, thao trường, pháp trường, nhà lao… và cả văn miếu.
Dulichgo
Thung lũng Trung Lộc nay thuộc xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn trải dài gần 10km từ chân đèo Le ra đến bờ sông Thu Bồn, bề ngang rộng đến 2km, nơi hẹp nhất cũng hơn 1km, với ba mặt Đông, Tây và Nam núi cao bao bọc như bức tường thành tự nhiên. Đây là vùng giàu có về nông lâm lẫn khoáng sản, cung cấp lương thực và vật liệu chế tác vũ khí. Từ căn cứ này có thể tiến đánh địch từ mọi hướng nhờ địa hình khá phức tạp, nhưng lại thuận lợi giao thông nối liền miền xuôi với miền ngược, từ phía Đông sang Tây qua đèo Le.

Chẳng những có con đường mòn độc đạo, núi Hòn Tàu với đèo Le còn là bức tường thành thiên nhiên phòng thủ vững chắc cho căn cứ địa. Cuộc kháng chiến của Nghĩa hội Quảng Nam cuối cùng bị thất bại, thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu bị giặc đưa ra pháp trường xử tử, nhưng tinh thần yêu nước của ông và nghĩa quân mãi mãi bất tử. Nối tiếp hào khí của danh sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu và nghĩa quân, vùng phía Tây đèo Le là căn cứ địa quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

3. Trải qua thời gian, đèo Le dù đã có nhiều đổi khác nhưng vẫn mang vẻ đẹp quyến rũ và kỳ bí của chốn sơn thủy hữu tình. Con đường xuyên đèo đã mở rộng thông thoáng và an toàn. Cây cối bị chiến tranh và lâm tặc tàn phá đã được trồng trở lại lên xanh. Dòng suối Nước Mát trên đỉnh đèo vẫn quanh năm róc rách tạo nên bản nhạc rừng êm dịu du dương, giờ có thêm hồ tắm nhân tạo từ nguồn nước mát ngọt trong lành này phục vụ du khách.
Dulichgo
Ngồi bên dòng Nước Mát, chúng tôi được nghe câu chuyện công chúa Huyền Trân từng lên đây. Tương truyền thời vào làm dâu Chiêm Thành và được phong là hoàng hậu Paramecvari, thỉnh thoảng bà cùng các tì nữ lên ngắm cảnh đèo Le và tắm suối Nước Mát. Khi đấng lang quân Chế Mân băng hà, phong tục vương triều buộc hoàng hậu phải chết theo vua.

Thương em, vua Trần Anh Tông ra lệnh tướng quân Trần Khắc Chung vào tham dự lễ tang vua Chế Mân và tìm cách cứu công chúa Huyền Trân. Bà bí mật cải trang thành sơn nữ tạm lánh trên đèo Le, rồi xuôi theo dòng sông nhỏ Ly Ly ra Cửa Đại lên thuyền lớn chờ gió trở nồm căng buồm, cùng Trần Khắc Chung lênh đênh trên biển trở về Đại Việt.

Rời đỉnh đèo Le chúng tôi đi tiếp sang phía Tây thăm căn cứ xưa của thủ lĩnh nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu, suối nước nóng Tây Viên, dạo chợ Trung Phước, ngắm sông Thu Bồn, Hòn Kẽm - Đá Dừng và làng Đại Bình thuộc huyện Nông Sơn, quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng.
Dulichgo
Sau đó, chúng tôi quay trở lại chân đèo Le phía đông bên huyện Quế Sơn để thưởng thức gà tre đặc sản. Khi biết tôi đi đèo Le, một người bạn gốc Quảng Nam đang ở Đồng Nai, nhắn tin phải ăn bằng được mì Quảng và thịt gà tre. Đây là loại gà bản địa duy nhất chỉ có ở Quế Sơn được bảo tồn và chọn lọc, nhân giống. Gà tre hương vị thơm ngọt, da giòn, thịt săn nhưng không dai, nướng hay luộc đều ngon tuyệt.

Với vị thế địa lý, cảnh quan thiên nhiên và đặc sản gà tre, đèo Le giàu tiềm năng về du lịch sinh thái, tâm linh. Từ đây có thể kết nối với 3 đô thị Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng thành những tuyến lữ hành quyến rũ du khách.

Theo Phan Hoàng (Sàigòn Đầu Tư)
Du lịch, GO!

Thơ mộng một chuyến đèo Le
Gà luộc đèo Le
Phiêu du qua nẻo đèo Le
Lên đỉnh đèo Le
...

No comments

Powered by Blogger.