Header Ads

Header ADS

Xóm đúc tượng Phật giữa Sàigòn

(TH) - Nghề đúc tượng Phật ở Sài Gòn đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm nhưng vẫn giữ được hồn xưa nét cũ.

Nghề đúc tượng Phật của người dân xóm tượng chùa Giác Hải (hẻm 1017 Hồng Bàng, phường 12, quận 6, TP.HCM) ra đời muộn hơn so với nghề gốm, nghề dệt,…nhưng mang nét độc đáo riêng. Nó tồn tại và phát triển đến nay cũng gần 100 năm.

Tại nhiều nơi khác, người ta áp dụng kỹ thuật hiện đại để đúc tượng hoặc vẽ gương mặt tượng Phật theo kiểu “Tây hóa”. Nhưng ở xóm chùa Giác Hải, những nghệ nhân đúc tượng vẫn giữ được tinh hoa đặc trưng của người Nam bộ xưa.

Theo đó, những người thợ miệt mài ngồi làm từng công đoạn đắp cát đổ xi măng để tạo khuôn, chà nhám, sơn màu, khắc họa chi tiết,… Tất cả những công đoạn ấy được tạo ra từ bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ.
Dulichgo
Trong không gian tĩnh lặng, những người thợ tỉ mẩn ngồi đắp, nặn, gọt, vẽ những bức tượng bằng xi măng sống động.

Xóm tượng chùa Giác Hải có khoảng 10 cơ sở nặn đúc tượng, trong đó một số gia đình đã hơn 3 thế hệ giữ nghề của tổ tiên truyền lại, nằm ngay lối vào chùa Giác Hải nên còn gọi là xóm chùa. Ngay khi bước vào hẻm, nhiều bức tượng Phật bằng xi măng, thạch cao bày dọc bên đường.

Từ 7h đến 16h, xóm chùa trở nên nhộn nhịp bởi những chiếc xe ba gác chở những bức tượng thô, mới được tháo khuôn từ xưởng lớn phân phối đến. Tại đây, những người thợ sẽ tiếp tục chế tác, tạo hình để hoàn chỉnh tượng.
Dulichgo
Ông Thi Quốc (71 tuổi) làm khuôn tượng bằng gạch, cát và xi măng. "Đây là tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn, dài 3 m, nặng gần một tấn. Để làm xong hoàn chỉnh cũng phải mất 10 ngày, vì vậy nghề này, quan trọng là kiên nhẫn", ông cho biết.

Ông Huỳnh Văn Thông chăm chú kẻ vẽ những đường chỉ tay trên tượng Phật Thích Ca. Ông đã hơn 20 năm theo nghề với chuyên môn chính là làm tay tượng.

Trong nhà xưởng yên tĩnh, chật chội những bức tượng Thần và Phật, ông Ba Tiến (tên thật Nguyễn Ngọc Châu) tỉ mẩn ngồi vẽ hoạ tiết cho những bức tượng Ngũ Hành Nương Nương.

Ông Tiến là chủ cơ sở Lê Văn Chánh, một trong những cơ sở lâu đời và nổi tiếng nhất xóm chùa. "Đời tôi là thế hệ thứ ba theo nghề. Thời xưa, các cụ tôi làm tượng bằng gỗ mít, khoảng 60 - 70 năm nay thì chuyển qua làm bằng xi măng và thạch cao. Tôi vẫn tự hào vì từ đó đến nay, sản phẩm của gia đình chưa có ai mắng vốn bao giờ".

"Làm nghề này quan trọng nhất là phải có đam mê. Chỉ có đam mê mới làm nên hồn cốt cho những bức tượng", ông Tiến chia sẻ.
Dulichgo
Các sản phẩm tượng của gia đình ông, ngoài phục vụ khách trong nước, còn xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ..

"Làm một bức tượng đẹp phải gồm rất nhiều công đoạn nên người thợ nào cũng quan trọng từ đúc, gọt, chà đến thổi và vẽ. Bức tượng hơn nhau ở đôi mắt, khuôn mặt có hồn và có thần", nghệ nhân nói.

Bên trong một nhà xưởng với hàng chục bức tượng với kiểu dáng khác nhau.

Theo các chủ cơ sở, giá các bức tượng dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng, tùy kích thước, vật liệu và độ tinh xảo.

Bà Mai Thị Hoàng (64 tuổi), con gái cố nghệ nhân Mai Văn Lai tô màu cho bức tượng Thần Tài.
Dulichgo
"Khó nhất là tạo hình và vẽ tượng cho sống động. Ba tôi từng dặn, mỗi khi làm tượng Phật phải hướng tới 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Ngài. Biết là làm chưa thể tới nhưng mình cứ phấn đấu", nữ nghệ nhân chia sẻ.

Bà Hoàng dùng giấy mạ vàng để trang trí tượng.

"Tôi quan niệm, dù tượng nhỏ hay lớn, đơn giản hay phức tạp cũng đều phải làm tỉ mỉ, chăm chút, có vậy sản phẩm mới đẹp và có hồn", bà nói.

Một người thợ tranh thủ ngồi ăn trưa trong xưởng để lấy sức, tiếp tục làm việc ca chiều.
Dulichgo
Tiền công của thợ tuỳ thuộc vào chuyên môn và số lượng sản phẩm giao khoán, dao động 150.000 - 800.000 đồng một ngày.

Những người thợ hợp sức kéo bức tượng Phật về kho và thay bằng tượng khác, do khách hàng từ chối vì tượng quá lớn.

Theo các nghệ nhân làm tượng, những năm gần đây do có nhiều chất liệu tạc như đá, đồng và composite ra đời nên nghề làm tượng Phật trong xóm có phần đi xuống, số lượng người đến đặt cũng giảm đi nhiều.

Theo Eva, Vnexpress
Du lịch, GO!

No comments

Powered by Blogger.