Header Ads

Header ADS

Du lịch Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có du lịch. Sự can thiệp của yếu tố công nghệ với ngành du lịch là nhân tố mang lại sự phát triển, hiện đại của ngành nhưng cũng đặt ra cho ngành du lịch không ít khó khăn, thách thức.
cach mang cong nghiep lan thu tu tác dong den du lich viet nam

1. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội, thuận lợi cho phát triển du lịch

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam vì nó không chỉ nhằm vào công nghiệp, nó nhằm vào công nghệ số, đem những thành tựu vượt bậc của công nghệ số tới mọi lĩnh vực, trong đó có Du lịch. CMCN 4.0 mở ra cơ hội cho các nước như Việt Nam nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển. Đặc biệt, khi CMCN 4.0 nổ ra, sự kết nối giữa mọi người gần như không còn khoảng cách, thời gian diễn ra sự kiện gần như đồng thời tại mọi nơi trên thế giới thì du lịch Việt Nam cũng cần phải tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.Đối với khách du lịch và cộng đồng: Những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông hỗ trợ hầu hết các hoạt động của khách du lịch và cộng đồng, từ khâu tìm kiếm thông tin điểm đến du lịch, thông tin về tour, giá cả, chất lượng dịch vụ du lịch đến khâu đặt tour, mua vé, thanh toán... đều có thể thực hiện dễ dàng qua internet, qua các hệ thống giao dịch thương mại điện tử, website, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, sàn giao dịch điện tử. Các hoạt động du lịch trong suốt chuyến hành trình của du khách cũng được hỗ trợ bởi công nghệ thông qua các tiện ích du lịch thông minh, các hệ thống chỉ dẫn thông minh, các ứng dụng giao thông, thời tiết, dịch thuật... Quá trình du lịch, trải nghiệm của du khách có thể được chia sẻ ngay lập tức lên internet thông qua các trang mạng xã hội như facebook, twitter, youtube,... Thậm chí, du khách có thể live stream trực tiếp vẻ đẹp của các cảnh quan, các sự kiện du lịch tại điểm đến. Các bình luận và phản hồi của khách du lịch về cái tốt hay chưa tốt của du lịch cũng được chia sẻ công khai, qua đó giúp cho công tác quản lý du lịch được cải thiện và chia sẻ kinh nghiệm cho những người đi du lịch sau.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch: CMCN 4.0 giúp các doanh nghiệp du lịch có cơ hội đẩy mạnh tiếp thị, mở rộng thị trường, tiếp cận các thị trường xa và thị trường ngách thông qua các công cụ marketing điện tử (elechonic marketing) và marketing số (digital marketing). CMCN 4.0 cũng giúp các doanh nghiệp có thể triển khai các phương thức kinh doanh số như bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến. Các doanh nghiệp cũng có thể ứng dụng Big data trong việc khai thác thị trường, tìm hiểu khách hàng, xây dựng các chiến lược kinh doanh hiệu quả. Các doanh nghiệp lữ hành có thể triển khai ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VRT) để thiết kế các tour du lịch ảo phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn có thể ứng dụng các công nghệ như Điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật kết nối, năng lượng tái tạo, quản lý thông minh để hỗ trợ các hoạt dộng và dịch vụ trong khách sạn.
Đối với các cơ quan quản lý du lịch: CMCN 4.0 là một cơ hội để đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch qua internet, mang thông tin, hình ảnh du lịch của quốc gia, địa phương tới đông đảo người dùng internet trong nước và trên thế giới. Đồng thời, CMCN 4.0 cũng giúp khả năng feedback của khách du lịch, cộng đồng được thuận lợi hơn để chỉ báo những yếu tố xấu về tour, tuyến, điểm du lịch cũng như các vấn nạn chặt chém, chèo kéo, cướp giật, lừa đảo nhằm cảnh báo trước cho khách du lịch giảm thiểu thiệt hại và giúp các cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin, kịp thời giải quyết dứt điểm. Đây là biện pháp rất tốt để có thể tăng du lịch, giảm tình trạngkhách đến và không muốn quay lại. CMCN 4.0 cũng giúp các cơ quan quản lý du lịch hiện đại hóa trong các hoạt động quản lý, nâng cao hiệu quả, tính minh bạch, công khai và thông thoáng trong công tác quản lý. Ví du như: triển khai các hình thức thủ tục hành chính điện tử, dịch vụ công trực tuyến; quản lý hồ sơ, lưu trữ tài liệu bằng các phần mềm; trao đổi công việc, văn bản qua email; họp trực tuyến;...
 2. Cách mạng 4.0 đặt ra những khó khăn, thách thức cho ngành du lịch
Cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc tham gia vào sử dụng các dịch vụ du lịch trực tuyến, qua đó các công ty du lịch cũng phải thay đổi cách kinh doanh từ việc bán tour tại văn phòng hay phải đi đến tận nơi thì bây giờ sẽ thông qua các trang web. Khách hàng bây giờ chỉ cần thông qua một click chuột là có thể đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour...
Hầu hết các công ty du lịch hiện nay đều có trang web riêng của mình để giới thiệu các tour và các chương trình khuyến mại, nhưng cũng phải xác định rằng các công ty du lịch Việt Nam vẫn ở thế yếu so với các công ty du lịch nước ngoài, yếu cả về vốn và công nghệ. Đặc biệt, việc xây dựng website ứng dụng trên di động, tích hợp các phương thức thanh toán trực tuyến, liên kết thương mại điện tử vẫn là nút thắt của các công ty du lịch Việt Nam hiện nay. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp du lịch Việt hiện nay là kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô vốn thấp, khả năng tiếp cận, thích ứng và sử dụng công nghệ còn yếu; thiếu mạnh dạn hoặc không đủ tiềm lực để ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức kinh doanh.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch: CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản phương thức và các hoạt động quản lý du lịch. Nó đặt ra ba thách thức lớn: Một là, phải cấu trúc lại bộ máy quản lý theo hướng tinh giảm về số lượng nhân lực nhưng phải nâng cao trình độ công nghệ, kỹ năng công nghệ cho người lao động. Hai là, phải trang bị hạ tầng công nghệ cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với nguồn kinh phí không hề nhỏ bao gồm các trang bị cho hạ tầng mạng, hệ thống phần cứng và hệ thống phần mềm. Ba là, phải đổi mới tâm lý, tư duy công tác từ "bàn giấy" sang điện tử, từ nền hành chính "giấy tờ" sang nền hành chính điện tử.
 CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến cho ngành du lịch. Điều này sẽ là thách thức lớn cho Việt Nam - một quốc gia vốn còn nghèo về kinh tế và chưa mạnh về trình độ công nghệ. Khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thời đại công nghệ số với một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,... là hoàn toàn bất lợi.

3. Một số định hướng giải pháp để du lịch Việt Nam tận dụng được thời cơ và hóa giải những thách thức từ CMCN 4.0 

- Một là: Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch nói chung và cơ chế chính sách về ứng dụng những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 với ngành du lịch nói riêng. Một số cơ chế, chính sách cụ thể cần ưu tiên như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; ứng dụng e-marketing và digital marketing trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển thương mại điện tử trong ngành du lịch; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, big data, áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch TSA (Tourism Satellite Account) cho công tác thống kê du lịch; ứng dụng công nghệ GIS và công nghệ viễn thám cho hoạt động xác định tài nguyên du lịch, quy hoạch du lịch và xây dựng bản đồ du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh du lịch;...
- Hai là: Tăng cường đầu tư nhà nước và thu hút đầu tư xã hội phát triển hạ tầng công nghệ cho ngành du lịch, cả hạ tầng phần cứng và hạ tầng phần mềm. Triển khai lắp đặt và vận hành các trạm phát wifi miễn phí cho các đô thị du lịch, khu du lịch quốc gia và các địa bàn trọng điểm du lịch; sản xuất và đưa vào sử dụng các phần mềm, tiện ích du lịch hỗ trợ công tác quản lý, kinh doanh du lịch và hỗ trợ khách du lịch.
- Ba là: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch có trình độ công nghệ. Bồi dưỡng, đào tạo lại đối với nhân lực lao động hiện tại của ngành du lịch để trang bị những kiến thức, kỹ năng công nghệ, đặc biệt là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; có chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ đối với nhân lực có trình độ cao về công nghệ; xây dựng, lồng ghép các chương trình công nghệ ứng dụng cho ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo về du lịch.
- Bốn là: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng tối đa những công nghệ miễn phí, công nghệ đang phổ biến áp dụng cho các hoạt động kinh doanh (ví dụ marketing trực tuyến), khai thác có hiệu quả hệ thống mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Đầu tư, trang bị các công nghệ theo khả năng và quy mô vốn đối với những công nghệ tiên tiến có khả năng làm tăng hiệu quả kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm chí phí và lao động trực tiếp.
- Năm là: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch và khoa học công nghệ để học hỏi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ hiện đại cho ngành du lịch. Hợp tác với các nước có tiềm lực công nghệ và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ hỗ trợ ngành du lịch, chuyển giao công nghệ phù hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 với ngành du lịch./.

TS. Lê Quang Đăng
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

No comments

Powered by Blogger.