Bàn về khái niệm kinh tế du lịch: cần có một cách nhìn hoàn chỉnh
Kinh tế du lịch đã và đang chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Những lợi ích mà ngành kinh tế du lịch mang lại là vô cùng to lớn, không chỉ dưới góc độ đóng góp vào GDP của đất nước hay giải quyết các vấn đề thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo mà nó còn là phương thức để kết nối – giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người tới đông đảo bạn bè trong khu vực và trên thế giới.
Kinh tế du lịch - nhìn từ khái niệm đã có
Hiện nay, có rất ít công trình nghiên cứu đưa ra khái niệm kinh tế du lịch. Hầu như các định nghĩa về kinh tế du lịch được đưa ra có sự lồng ghép với định nghĩa về du lịch, do đó tạo nên một sự lẫn lộn, khó hiểu, thậm chí có nhiều mâu thuẫn giữa các định nghĩa (như đã bàn trong bài viết Bàn về khái niệm du lịch: hiểu như thế nào cho đúng). Chúng tôi xin trích dẫn và phân tích 2 định nghĩa điển hình như sau:
- Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002) đưa ra định nghĩa: “Kinh tế du lịch là một loại hình kinh tế có tính đặc thù, mang tính dịch vụ và thường được xem như ngành công nghiệp không khói, gồm có du lịch quốc tế và du lịch trong nước; có chức năng, nhiệm vụ tổ chức, khai thác các tài nguyên và cảnh quan của đất nước nhằm thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước; tổ chức buôn bán, xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ cho khách du lịch”.
Định nghĩa trên tuy đã chỉ ra được đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ, mục đích của kinh tế du lịch nhưng nó vẫn chưa đầy đủ và nhiều chi tiết chưa rõ ràng. Hai điểm ta hoàn toàn có thể thừa nhận ở định nghĩa trên đó là: (1) là ngành kinh tế đặc thù, mang tính dịch vụ; (2) xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ. Hai điểm chưa rõ ràng ở định nghĩa trên là: (1) gồm có du lịch quốc tế và du lịch trong nước (ở đây muốn nói đến điều gì? - là khách du lịch trong nước và quốc tế, thị trường trong nước và quốc tế hay du lịch Việt Nam và du lịch Thế giới?); (2) khai thác các tài nguyên và cảnh quan của đất nước nhằm thu hút khách du lịch (bản thân tài nguyên du lịch đã bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa, "cảnh quan" ở đây đã nằm trong yếu tố "tài nguyên" rồi).
- Nhóm tác giả Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2006) có đưa ra định nghĩa: “Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, tìm hiểu và các nhu cầu khác của khách du lịch. Các hoạt động đó phải đem lại lợi ích kinh tế chính trị - xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và cho bản thân doanh nghiệp”.
Định nghĩa này thể hiện rõ ràng và đầy đủ hơn về "kinh tế du lịch", nhưng trong ấn phẩm của nhóm tác giả (Giáo trình Kinh tế du lịch - Nxb Lao động xã hội, 2006) lại xác định đây là định nghĩa "du lịch" sau khi phân tích các định nghĩa du lịch trong nước và trên thế giới. Định nghĩa này cũng chưa hoàn chỉnh khi chưa đề cập đến vấn đề Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, mang tính tổng hợp, tính liên ngành... . Bản thân định nghĩa cũng bị tự giới hạn khi sử dụng các thuật ngữ giới hạn như: "Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp". Thực tế, "Kinh tế du lịch" cần được định nghĩa phổ quát hơn, rộng hơn thế.
- Nhóm tác giả Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2006) có đưa ra định nghĩa: “Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, tìm hiểu và các nhu cầu khác của khách du lịch. Các hoạt động đó phải đem lại lợi ích kinh tế chính trị - xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và cho bản thân doanh nghiệp”.
Định nghĩa này thể hiện rõ ràng và đầy đủ hơn về "kinh tế du lịch", nhưng trong ấn phẩm của nhóm tác giả (Giáo trình Kinh tế du lịch - Nxb Lao động xã hội, 2006) lại xác định đây là định nghĩa "du lịch" sau khi phân tích các định nghĩa du lịch trong nước và trên thế giới. Định nghĩa này cũng chưa hoàn chỉnh khi chưa đề cập đến vấn đề Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, mang tính tổng hợp, tính liên ngành... . Bản thân định nghĩa cũng bị tự giới hạn khi sử dụng các thuật ngữ giới hạn như: "Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp". Thực tế, "Kinh tế du lịch" cần được định nghĩa phổ quát hơn, rộng hơn thế.
Kinh tế du lịch - cần một khái niệm hoàn chỉnh hơn
Rõ ràng khi nói đến kinh tế du lịch là phải nói đến yêu tố làm du lịch (yếu tố kinh doanh), trong đó phải trả lời được các câu hỏi: Ai làm (chủ thể - doanh nghiệp, đơn vị cung cấp hàng hóa và dịch vụ du lịch)? Làm thế nào (cách thức, phương thức, loại hình kinh doanh du lịch)? Làm cho ai (đối tượng - khách hàng, thị trường)? Làm để làm gì (mục đích, lợi ích cho các bên)? Ngoài ra, do du lịch là ngành kinh tế đặc biệt nên trong khái niệm cũng phải thể hiện được tính đặc biệt của nó.
Qua nghiên cứu các khái niệm về du lịch, chúng tôi đưa ra định nghĩa về kinh tế du lịch như sau:
“Kinh tế du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao, thuộc khối ngành dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân; có chức năng, nhiệm vụ tổ chức, khai thác các tài nguyên du lịch, sản xuất, xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ du lịch, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch trên thị trường; mang lại lợi ích kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội thiết thực và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước”.
Từ định nghĩa trên ta có thể thấy kinh tế du lịch là một loại hình kinh tế đặc biệt. Tính đặc biệt được thể hiện: nó mang tính tổng hợp, liên ngành (giữa du lịch với giao thông, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, văn hóa, thể thao,...); có tính chất xã hội hóa cao (thu hút mọi thành phần trong xã hội tham gia); là ngành kinh tế xanh, sạch (công nghiệp không khói); mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cao (công nghiệp gà đẻ trứng vàng). Đại đa số các hoạt động kinh doanh và sản phẩm của nền kinh tế này mang tính dịch vụ (mua và bán các dịch vụ du lịch). Các hoạt động kinh doanh của ngành kinh tế du lịch chủ yếu là khai thác các lợi thế về tài nguyên du lịch (tài nguyên sẵn có (tự nhiên) và tài nguyên sáng tạo (văn hóa, nhân văn, do con người tạo ra). Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ các hàng hóa và dịch vụ du lịch. Kinh tế du lịch mang lại lợi ích cho quốc gia ở cả khía cạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Cũng như các ngành kinh tế khác, kinh tế du lịch chịu tác động bởi các quy luật của thị trường và dưới sự quản lý thống nhất của nhà nước để định hướng cho sự phát triển của ngành một cách bền vững. Các thành tố cơ bản của kinh tế du lịch cũng giống như các ngành kinh tế khác: có cung – cầu du lịch, có hàng hóa (sản phẩm) du lịch, có thị trường du lịch, có tiêu dùng du lịch, có cạnh tranh du lịch, có doanh nghiệp du lịch và các loại hình kinh doanh du lịch…
(Bài viết mang quan điểm nghiên cứu của cá nhân, còn sơ khai, xin được lắng nghe góp ý và trao đổi đa chiều của độc giả)
TS. Lê Quang Đăng
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2013), Kinh tế học vi mô, Nxb Giáo dục Việt Nam.
2. Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, Tập 2, Nxb Từ điển bách khoa Hà Nội, năm 2002.
No comments